Xuất khẩu xanh đang là xu hướng mà người mua quốc tế đặt ra để các nhà sản xuất Việt Nam phải tuân thủ – Ảnh: N.BÌNH
Ngành dệt may Việt Nam đã bị mất đơn hàng vào tay Bangladesh, và có thể bị quốc gia này lấy lại vị trí số 2 thế giới trong năm 2023, trong đó có nguyên nhân do chậm chuyển đổi xanh.
Lý do của cuộc soán ngôi này là vì ngành dệt may Bangladesh đã nhanh chân hơn trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng.
Đưa ra ví dụ này tại diễn đàn “Liên kết xanh – xuất khẩu xanh” diễn ra chiều 25-5, ông Nguyễn Duy Minh – tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – cho biết các yêu cầu về quy trình xanh hóa chuỗi cung ứng đã rất rõ ràng và tác động đến sức cạnh tranh, cơ hội nhận đơn hàng của nhà xuất khẩu, chứ không còn ở mức “phấn đấu”.
Hội thảo nằm trong Diễn đàn & Hội chợ Xuất khẩu TP.HCM đang diễn ra ở Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Sài Gòn (quận 7, TP.HCM).
Năm 2023, Bangladesh có tới 153 nhà máy đạt chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường), họ cũng có 500 nhà máy hiện đang nộp hồ sơ để nhận chứng nhận này.
Hiện tiêu chuẩn LEED được đánh giá trên sáu yếu tố chính bao gồm: vật liệu và tài nguyên, chất lượng môi trường trong nhà, năng lượng và khí quyển, hiệu quả sử dụng nước, các khía cạnh bền vững, đổi mới trong hoạt động và ưu tiên khu vực…
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng “xanh” và “số” là hai từ quan trọng nhất mà các doanh nghiệp đang đeo đuổi nếu muốn thích ứng với yêu cầu của thị trường quốc tế. Nếu như trước đây theo đuổi “tính xanh” là sự đánh đổi chi phí, thì bây giờ xanh là để bảo vệ sức cạnh tranh, cơ hội duy trì sản xuất, bán hàng ra quốc tế.
“Chưa bao giờ tính cưỡng bức tư duy “kinh tế xanh” lại mạnh mẽ như hiện nay. Mới đây, ngành dệt may thế giới còn yêu cầu nếu quá trình sản xuất phát sinh thừa vải hay sản phẩm bị lỗi thì không được phép tiêu hủy, mà phải tái chế. Các quy định này được tính điểm trong đơn hàng.
Và thực tế các doanh nghiệp đạt ESG (chỉ số môi trường, xã hội và quản trị) thì có đơn hàng tốt hơn, nhiều hơn. Trường hợp của doanh nghiệp dệt may giữa Bangladesh và Việt Nam được nêu phía trên là ví dụ như vậy”, ông Thành nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng khẳng định giải pháp cho quá trình chuyển đổi xanh không thể một mình doanh nghiệp hay Nhà nước muốn là được. Với đặc thù nền kinh tế đang phát triển, Việt Nam cần có cách thức tiếp cận từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, tức nỗ lực từ hai phía.
Ước tính, mỗi năm Việt Nam cần 14-15 tỉ USD để thực thi các cam kết xanh, tiến tới đạt phát thải bằng 0 theo COP26.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết TP.HCM đã định hướng sẽ theo đuổi xuất khẩu xanh và phát triển sản xuất, công nghiệp đáp ứng các yêu cầu quốc tế về kinh tế tuần hoàn.
Đây là một trong 12 chương trình trọng điểm “Phát triển doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo” của thành phố trong giai đoạn 2020- 2025. Thành phố đang xây dựng, định hướng xây dựng một số cơ chế chính sách để thúc đẩy tăng trưởng xanh thực hiện hóa mục tiêu này.
Theo phó chủ tịch UBND thành phố, thế giới đang đứng trước những xu hướng mới, nếu không thay đổi để theo kịp thì doanh nghiệp sẽ tụt hậu và bị loại ra khỏi cuộc chơi.
“Cam kết còn giúp cho hàng hóa của doanh nghiệp rộng đường xuất khẩu, được hưởng những ưu đãi về thuế quan. Quá trình này còn thể hiện Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm sản xuất xanh bền vững và thân thiện với môi trường”, ông Hoan lưu ý.