(TN&MT) – Theo IQAir, chất lượng không khí tại khu vực phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng có thể tiếp tục duy trì ở mức kém – các nhóm nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe khi thời tiết được dự báo tiếp tục lặng gió, ít mưa với lớp sương mù dày đặc.
Những ngày gần đây, chất lượng không khí tại Hà Nội luôn ở mức báo động. Nhiều trạm quan trắc cho kết quả đo chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu.
Theo các chuyên gia môi trường, hiện tượng này thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Nguyên nhân là trời ít mưa, lặng gió, sương mù kết hợp với nguồn phát thải từ mặt đất không được kiểm soát tốt khiến các chất ô nhiễm không khuếch tán mà quẩn quanh ở tầng thấp. Mặt khác, do ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi, chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt,… trong không khí rất lớn cũng góp phần ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi PM10 và bụi mịn PM2.5.
Ngoài ra, tình trạng người dân đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng (đốt mở và phân tán) vẫn diễn ra rất phổ biến, thường xuyên trong nhiều năm mà chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù cho khu vực đô thị, dân cư tập trung.
Tại Hà Nội, đợt ô nhiễm không khí này bắt đầu từ khoảng giữa tháng 11 và kéo dài suốt những ngày qua. Tình trạng ô nhiễm không khí bao phủ tất cả các quận, huyện nội thành lẫn ngoại thành, đặc biệt là các Quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng.
Các hệ thống quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN&MT), của PAM Air hay Đại sứ quán Mỹ đều ghi nhận ô nhiễm không khí ở Hà Nội những ngày qua phổ biến ở ngưỡng rất xấu (chỉ số chất lượng không khí AQI từ 200-300, rất có hại cho sức khỏe với khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra đường, thực hiện khẩn cấp các biện pháp bảo vệ sức khỏe). Cá biệt, một số điểm quan trắc trong thời gian nhất định còn ghi nhận ô nhiễm ở mức nguy hại với chỉ số AQI từ 300 trở lên – mức nguy hiểm đến sức khỏe với khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.
Không riêng Hà Nội, ô nhiễm không khí nghiêm trọng cũng xảy ra ở hầu hết các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng. Hệ thống quan trắc của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường ghi nhận Bắc Ninh thường xuyên chìm trong ô nhiễm không khí rất xấu.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), giải pháp giải quyết ô nhiễm không khí ở Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc là buộc phải kiểm soát nguồn thải. Theo ông, cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát từ các ống khói của nhà máy, làng nghề; Tuyên truyền để người dân không đốt rác tự phát; Kiểm soát khí thải phương tiện giao thông và đầu tư thêm các trạm quan trắc ở các địa phương… tuy nhiên, thực tế những năm qua, các biện pháp này thường ít được quan tâm thực hiện.
Nhằm kiểm soát và hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, vừa qua, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ TN&MT) đã ban hành văn bản yêu cầu Sở TN&MT các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tập trung quyết liệt nhằm kiểm soát các hoạt động có phát sinh khí thải, bụi trên địa bàn trong thời điểm thời tiết giao mùa; tăng cường tần suất quan trắc môi trường không khí, vận hành các trạm quan trắc tự động, liên tục đảm bảo số liệu truyền, kết nối về Sở TN&MT và Bộ TN&MT liên tục, không bị gián đoạn.
Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đề nghị Sở TM&MT báo cáo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các huyện, xã vận động nhân dân không đốt chất thải rắn, rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch để giảm phát sinh khí thải, bụi gây ô nhiễm môi trường. Hạn chế tình trạng đốt tại ruộng gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với hành vi đốt chất thải rắn sinh hoạt sai quy định. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cải tạo hạ tầng đô thị thực hiện nghiêm các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh.
Ngoài các biện pháp để hạn chế phát tán ô nhiễm không khí, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống như của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố. Khi theo dõi thấy chất lượng không khí ở mức xấu, có hại người dân cần hạn chế ra khỏi nhà, không vận động tập thể dục ở ngoài trời.
Khi ra đường người dân nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng, có thể lọc được bụi PM2.5 (bụi mịn); đeo khẩu trang đúng quy cách; vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. Hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, ở khu vực chất lượng không khí xấu, thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống; trồng cây xanh quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí…
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/chat-luong-khong-khi-khu-vuc-phia-bac-tiep-tuc-duy-tri-o-muc-kem-366636.html