Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh doanh bền vững và xây dựng một nền kinh tế xanh, bao trùm. Kinh doanh bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội một cách toàn diện.
Đến nay, hoạt động phát triển bền vững và công bố báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đã được các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp niêm yết lớn ủng hộ mạnh mẽ, song chưa lan tỏa rộng rãi đến mọi quy mô doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) – dù đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế – vẫn gặp nhiều thách thức trong việc thực hiện ESG do thiếu kiến thức và nguồn lực. Nhóm doanh nghiệp này thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn và thực hành bền vững. Đồng thời, sự thiếu hụt thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, và các chính sách khuyến khích từ nhà nước cũng là những rào cản lớn tác động đến khả năng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững của nhóm doanh nghiệp này. Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận các tiêu chuẩn bền vững là rất cần thiết. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện hoạt động kinh doanh mà còn đóng góp tích cực vào quá trình phát triển bền vững của quốc gia, tạo nên một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và trách nhiệm hơn.
Trên cơ sở đó, Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, đã triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong khuôn khổ nhóm hoạt động nhằm góp phần thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025, Dự án IPSC đã biên soạn và phát hành “Sổ tay Giới thiệu quy định pháp lý về ESG năm 2024” (sau
đây gọi tắt là “Sổ tay”). Sổ tay cung cấp các thông tin cơ bản cho doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam về các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến lĩnh vực môi trường (E), xã hội (S), và quản trị (G), bao gồm các quy định nổi bật trong nước và quốc tế được cập nhật tới hết tháng 9 năm 2024. Việc nắm bắt khung pháp lý về các lĩnh vực này sẽ giúp các doanh nghiệp xây dựng được xuất phát điểm chắc chắn khi triển khai thực hành ESG một cách bài bản và lồng ghép ESG trong hoạt động sản xuất – kinh doanh thường nhật.