Tại Hội thảo liên kết chuỗi giá trị lúa gạo góp phần thực hiện Đề án “Phát triển 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” ngày 25/10, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết, cơ quan này đã xây dựng 7 mô hình thí điểm tại 5 tỉnh gồm Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và TP Cần Thơ.

Sau khi thu hoạch lúa ở những mô hình thí điểm, ông Tùng đánh giá năng suất lúa tăng, diện tích ngày càng được mở rộng mà không cần kêu gọi bà con.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt chỉ rõ, việc áp dụng kỹ thuật sạ hàng và sạ cụm kết hợp vùi phân đã giảm 30-50% lượng giống sử dụng, tương đương từ 30-80 kg/ha.

Cách làm này giúp tiết kiệm chi phí từ 0,6-1,6 triệu đồng/ha, đồng thời giảm sự cạnh tranh dinh dưỡng và tăng năng suất.

Mức sử dụng phân bón đạm cũng giảm từ 30-70 kg/ha, tương đương với tiết kiệm từ 0,7-1,6 triệu đồng/ha.

trong lua
Lợi nhuận từ trồng lúa chất lượng cao, phát thải thấp tăng mạnh so với canh tác truyền thống. Ảnh minh họa

Trong khi đó, năng suất lý thuyết từ các mô hình cho thấy có sự tăng trưởng đáng kể. Ở Cần Thơ và Sóc Trăng, các mô hình sử dụng giống OM5451, ST25 cho năng suất cao hơn lần lượt 3,9-7,5% và 8,9-13,7% so với mô hình truyền thống.

Hiệu quả kinh tế của các mô hình này rất tích cực, lợi nhuận ròng tăng thêm từ 13-18 triệu đồng/ha trong vụ hè thu và vụ thu đông tăng 1-6 triệu đồng/ha.

Bên cạnh đó, ở các mô hình thí điểm tại Sóc Trăng, lượng khí phát thải là 9,5 tấn CO2e/ha/vụ. Trong khi, ngoài mô hình lượng phát thải lên tới 13,5 tấn CO2e/ha/vụ. Tức là các mô hình thí điểm giảm được 4 tấn CO2e/ha/vụ.

Tương tự tại Trà Vinh, trung bình 2 mô hình thí điểm giảm được 5,4 tấn CO2e/ha/vụ.

Bộ NN-PTNT và Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) đang trong quá trình họp bàn thống nhất cách thức chuẩn bị triển khai thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính hỗ trợ đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Sau khi thống nhất, nông dân sẽ được chi trả tiền tín chỉ carbon từ trồng lúa giảm phát thải.

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ – nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ) – đề cập đến câu chuyện rơm rạ nói riêng và phế phụ phẩm trong quá trình trồng lúa có giá trị rất lớn.

“Đốt rơm là đốt tiền, bán rơm là bán máu. Người dân cần phải hiểu được những lợi ích sát sườn này, bên cạnh tiềm năng bán tín chỉ carbon trong tương lai”, ông Vệ nhấn mạnh.

Theo ông, để xử lý rơm rạ đạt hiệu quả cao, người dân cần xác định các phương pháp cụ thể cho 2 loại khí cơ bản là CH4 và N2O. Trong đó, CH4 chủ yếu phát thải từ bộ rễ của lúa, trong quá trình ngập nước khi sinh trưởng. Còn N2O hầu như có nguồn gốc từ việc bón phân đạm.

Ngành nông nghiệp đã phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế để hướng dẫn người dân xử lý rơm rạ, chế biến thành phân bón hữu cơ, trồng nấm, sử dụng làm thức ăn gia súc, hoặc xa hơn là trở thành nguyên liệu cho các lò đốt công nghiệp…

Theo ông Lê Thanh Tùng, ngoài những lợi ích trên, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao triển khai tại 12 tỉnh ĐBSCL còn hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.

“Lúa đã chất lượng, từ việc kế thừa Dự án VnSAT, nhưng đầu ra lại bỏ ngỏ”, ông Tùng cho hay. Do đó, việc xây dựng mối liên hệ chặt chẽ, thông qua các đối tác, các bên liên quan trong đề án là hết sức cần thiết.

Bên cạnh những vấn đề trên, ông Lê Thanh Tùng nhìn nhận, giao thông nội đồng tại vùng dự án chưa thực sự thuận lợi, chưa thu hút được sự quan tâm, đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, ngoài việc tăng cường, nâng cao yếu tố kỹ thuật, địa phương cũng nên lưu ý phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, giúp liên kết bền chặt.